Phản ứng Vụ_9_người_Việt_tháp_tùng_ngoại_giao_bỏ_trốn_tại_Hàn_Quốc_2018

Quốc hội Việt Nam

Ngày 25 tháng 9 năm 2019, Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc cảm thấy "sự việc rất đáng tiếc" và xác nhận nhóm người này đi theo tháp tùng phái đoàn ngoại giao Việt Nam tham dự Diễn đàn Đầu tư và thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, khẳng định nhóm người Việt bỏ trốn bất hợp pháp không thuộc phái đoàn ngoại giao Quốc hội Việt Nam và không được cấp thị thực ngoại giao.[7][19] Ông Phúc cho biết Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Đầu tư và thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đã liên hệ và "xin đi nhờ" chuyên cơ với phái đoàn ngoại giao Quốc hội Việt Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý việc đi lại và sinh hoạt của đoàn doanh nghiệp này tại Hàn Quốc.[1][11] Văn phòng Quốc hội Việt Nam gửi công văn tới Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nhằm phối hợp với phía Hàn Quốc và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để đưa người Việt hồi hương.[1] Tại buổi họp báo chiều ngày 18 tháng 10 cùng năm, Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định đoàn doanh nghiệp tháp tùng không có thị thực ngoại giao và "Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Vietravel tổ chức cho đoàn này đi";[7] nhấn mạnh phối hợp với phía Hàn Quốc giải quyết triệt để sự việc vì "đây là danh dự và uy tín".[37]

Chính phủ Việt Nam

"Bộ coi đây là bài học sâu sắc để rà soát, rút kinh nghiệm khi tổ chức đoàn doanh nghiệp đi cùng, không để lặp lại sự cố này trong các chuyến đi tiếp theo. Bộ sẽ siết chặt hơn nữa quy trình tổ chức, quản lý chặt chẽ đoàn doanh nghiệp đi nước ngoài tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước."

Thông cáo báo chí ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.[28]

Ngày 26 tháng 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ thị Cục Đầu tư nước ngoài — đơn vị tổ chức nhân sự đoàn doanh nghiệp — rút kinh nghiệm trong hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài.[28] Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cảm thấy "sự việc quá đáng tiếc" vì "lần đầu tiên xảy ra sự việc thế này"[24][38] và nói rằng "chúng tôi cũng buồn lắm",[39] đồng thời cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giữ lại hộ chiếu của các thành viên đoàn doanh nghiệp tháp tùng ngoại giao khi đến Hàn Quốc.[40] Ngày 2 tháng 10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung thừa nhận "không lường trước được" và "rất đáng tiếc", đồng thời nhận định "lần đầu tiên xảy ra với tính chất rất nghiêm trọng".[41] Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô thông cáo "đang chỉ đạo các đơn nghiệp vụ làm rõ, khi có kết quả sẽ cung cấp thông tin".[42][43] Hôm sau, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định "các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp với Hàn Quốc để xử lý vụ chín người đi cùng chuyên cơ Chủ tịch Quốc hội rồi bỏ trốn ở lại".[44] Ngày 6 tháng 11 cùng năm, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Nguyễn Duy Ngọc khẳng định "các hành vi sai phạm chúng ta sẽ phải xử lý."[45] Ngày 5 tháng 6 năm 2020, Bộ Công an ban hành công văn 805 và 806 thông báo tới Văn phòng Quốc hội Việt Nam về thiếu sót trong quản lý doanh nghiệp tháp tùng ngoại giao.[46]

Chính khách Việt Nam

Ngày 24 tháng 9, cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam Lê Văn Cuông xác nhận Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phái đoàn đi nước ngoài hàng năm dựa theo kinh phí hàng năm của các cơ quan trực thuộc Quốc hội Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh "Đại biểu Quốc hội thì cho đến nay tôi chưa thấy trường hợp nào trốn làm ảnh hưởng quốc thể". Cựu Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam Trần Quốc Thuận khẳng định "không xảy ra chuyện phái đoàn Quốc hội đi nước ngoài rồi trốn ở lại" trong thời gian bản thân làm việc tại Văn phòng Quốc hội Việt Nam trước đây.[47] Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng cho biết "trước kia chưa có ai trong đoàn Quốc hội trốn cả".[48] Ngày 27 tháng 9, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh chỉ trích sự chậm trễ công khai danh tính những người bỏ trốn tại Hàn Quốc, đồng thời cho rằng quá trình quản lý đoàn tháp tùng ngoại giao có vấn đề, nhấn mạnh sự ảnh hưởng về hình ảnh và quan hệ quốc tế của Việt Nam.[49] Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư Nguyễn Mại đánh giá sự kiện là "bài học" trong việc giữ gìn hình ảnh thân thiện và gây dựng lòng tin trong mắt đối tác. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhận định "một điều đáng tiếc, làm xấu hình ảnh một Việt Nam đang hội nhập".[50] Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Thanh tra Chính phủ điều tra quy trình thẩm định sự kiện 9 người Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc có dấu hiệu hiệu tham nhũng hay không.[51] Cựu Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (trực thuộc Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) Nguyễn Khắc Mai cho rằng sự việc chậm trễ công bố vì "muốn bao che uy tín của họ" và bắt buộc công bố do phía Hàn Quốc đã công khai đưa tin, đồng thời kết luận "một ví dụ nhỏ cho thấy những người lãnh đạo quản trị quốc gia như thế nào".[52]

Truyền thông Việt Nam

Thân Hoàng trên Tuổi Trẻ cho rằng "vụ án với những tình tiết hi hữu" và "nhiều trường hợp dù không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn có thể tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng phái đoàn [ngoại giao Việt Nam], đồng thời nhận định Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa quan tâm xây dựng quy trình doanh nghiệp tháp tùng ngoại giao".[3] Thái Sơn trên Thanh Niên nhận xét nguyên nhân bắt nguồn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư "chưa quan tâm đến việc xây dựng quy trình thủ tục để lựa chọn và thẩm định doanh nghiệp tham gia, không có quy định cụ thể về phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức đoàn doanh nghiệp".[6] Luân Dũng trên Tiền Phong chỉ trích sự việc kéo dài 10 tháng chỉ được phát hiện khi báo chí Hàn Quốc đưa tin và đề nghị trách nghiệm của những người liên quan.[24] Cũng trên Tiền Phong, Nguyễn Dũng đặt câu hỏi về cơ chế tạo điều kiện cho những người trốn bất hợp pháp tại Hàn Quốc khi tháp tùng ngoại giao trên chuyên cơ của nguyên thủ quốc gia.[53] Nguyễn Dương trên Dân trí nhìn nhận Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có quy trình thẩm định doanh nghiệp tham gia tháp tùng ngoại giao.[54] Lan Nhi trên Kinh tế Sài Gòn đánh giá vụ bỏ trốn theo phương thức trà trộn cùng đoàn ngoại giao lần đầu tiên được phía Hàn Quốc công bố chính thức, Việt Nam phải thừa nhận.[55]

Truyền thông quốc tế

Theo bản tin của MBC, Quốc hội Hàn Quốc đã không thông báo tới phía Việt Nam, Bộ Tư pháp Hàn Quốc không chủ động tiến hành điều ra, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc không yêu cầu Việt Nam điều tra sự việc thông qua bất kỳ một phát ngôn chính thức nào.[9] Hoàng Hoa trên Sputnik đặt câu hỏi liệu chín người Việt bỏ trốn bất hợp pháp tại Hàn Quốc có nằm trong chiến dịch đốt lò hay không.[56] Đài Á Châu Tự Do đặt câu hỏi về danh tính những người Việt bỏ trốn và đặc quyền của nhóm người này khi lên chuyên cơ ngoại giao.[48] VOA dẫn lời nữ doanh nhân Lê Hoài Anh — người từng tháp tùng ngoại giao Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải sang Nhật Bản — cảm thấy "rất buồn cười" và "rất coi thường dư luận" vì "nếu là chuyên cơ thì từng người một đều mang danh nghĩa là thành phần của đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc". Lê Hoài Anh cho biết quy chuẩn đăng ký tháp tùng ngoại giao "phải là những gương mặt nổi bật trong các lĩnh vực thương mại liên quan tại quốc gia điểm đến".[57]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ_9_người_Việt_tháp_tùng_ngoại_giao_bỏ_trốn_tại_Hàn_Quốc_2018 http://daidoanket.vn/chinh-tri/9-nguoi-tron-lai-ha... https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49806474 https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50299462 https://imnews.imbc.com/news/2019/politics/article... https://imnews.imbc.com/replay/2019/nwdesk/article... https://vn.sputniknews.com/opinion/201909308071540... https://www.voatiengviet.com/a/ai-co-quyen-di-nho-... https://www.youtube.com/watch?v=o4Pqhnth_Bg&ab_cha... https://news.kbs.co.kr/news/view.do?ncd=4290832 https://www.yna.co.kr/view/AKR20190926055200084